Khai thác đá ở Phú Thọ

Thanh Ba – Phú Thọ: Nơm nớp hố tử thần – Kỳ 2: Vì sao dân không chịu dời đi? (30/07/2013)

Trước tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu hơn 400 hộ dân phải di dời gấp ra khỏi vùng nguy hiểm. Mặc dù chính quyền đã có nhiều chính sách hỗ trợ, xây dựng các khu tái định cư mới cho người dân, nhưng đến nay việc di dời dân ra khỏi vùng sụt lún vẫn là bài toán khó. Đa số các hộ dân nơi đây quyết định bám trụ đối mặt với tử thần. Vì sao lại như vậy…?

Nguyên nhân, chính sách, mỗi thời, mỗi khác

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều biện pháp, đầu tư xây dựng các khu tái định cư để di chuyển hơn 400 hộ dân ra khỏi vùng sụt lún. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 100 hộ dân ở khu vực đặc biệt nguy hiểm đến nơi ở mới. Còn lại hơn 300 hộ, mặc dù đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng sụt lún đất nhưng vẫn kiên quyết bám trụ lại, chấp nhận sống chung với hố tử thần. Theo người dân, sở dĩ họ không di chuyển do chính sách đền bù không thỏa đáng.

Được biết, trước đây, khi Viện Mỏ địa chất – khoáng sản tiến hành khảo sát và kết luận, nguyên nhân chủ yếu của sụt lún là do việc nổ mìn khai thác đá của Nhà máy xi măng Sông Thao nên nhà máy xi măng Sông Thao bắt buộc phải bồi thường 100% giá trị tài sản. Hơn 100 hộ dân được đền bù 100 % giá trị tài sản đã di dời đến khu tái định cư để lập nghiệp. Tuy nhiên, sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ vào cuộc lại đưa ra kết luận hiện tượng sụt lún là do “tai biến địa chất”. Kết luận đó, đồng nghĩa Nhà máy xi măng Sông Thao vô can và nhà máy rũ bỏ trách nhiệm bồi thường cho nhà nước và phó mặc tính mạng, tài sản người dân.

Mặt khác, UBND tỉnh Phú Thọ lại có quyết định chỉ hỗ trợ xây dựng nhà ở mới tại khu tái định cho người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm với mức tạm ứng bằng 50% giá trị vật chất kiến trúc nhà ở… nhưng tối đa không quá 250 triệu đồng một hộ. Quyết định có phần không thỏa đáng này khiến người dân bị thiệt thòi hết sức bất bình. Thực tế thiệt hại tài sản của người dân là rất lớn.

Đánh đu tính mạng, kéo co… với chính quyền

Ngôi nhà ba tầng của gia đình ông Lê Anh Tạo được xây dựng kiên cố tuy nhiên cũng không tránh khỏi sự tác động của hiện tượng sụt lún đất. Toàn bộ căn nhà nứt toác từ tầng 1 đến tầng 3, trên trần nhà xuất hiện các vết nứt gẫy rộng, có thể sập bất cứ lúc nào. Tổng kiểm kê tài sản nhà ông Tạo lên đến 1,5 tỷ đồng nhưng chỉ được chính quyền bồi thường 500 triệu đồng. “Với số tiền như vậy chỉ đủ xây cái nhà tạm để ở, chưa nói đến việc tạo công ăn, việc làm để sinh sống…”- ông Tạo lo lắng nói. Ngôi hai tầng của ông Trần Đức Thọ (khu 3) xây dựng với giá trị 1,2 tỷ đồng cũng chịu chung hiện tượng nứt toác chằng chịt khắp nơi nhưng trong kế hoạch bồi thường chỉ được 50% giá trị tài sản. Trong khi các gia đình hàng xóm chung vách, chung tường với ông Thọ đã di dời đợt 1 thì lại được hỗ trợ 100% giá trị tài sản.

Không chỉ gia đình ông Thọ chịu thiệt hại mà còn hàng trăm hộ dân khác cùng chung số phận. Giải pháp bần cùng của hàng trăm hộ dân nơi đây là tiếp tục chằng chống nhà cửa, chấp nhận “đánh đu” tính mạng với hố tử thần mà không biết tai họa sẽ ập xuống lúc nào. Bức xúc trước sự việc, người dân liên tục “vác” đơn kêu cứu khắp các ngành chức năng trong huyện và tỉnh với mong muốn chính quyền có biện pháp, chính sách thỏa đáng để đưa họ khỏi vùng đất nguy hiểm. Đổi lại, người dân chỉ nhận được những câu trả lời chung chung.

Vấn đề đặt ra ở đây là có thể dù Ninh Dân là vùng đất yếu, nhưng nếu không có sự tác động mạnh của việc nổ mìn khai thác đá của nhà máy xi măng Sông Thao thì hiện tượng sụt lún đất cũng không nghiêm trọng đến mức như vậy.

Trong khi chờ các ngành chức năng Phú Thọ tìm giải pháp hiệu quả thì cuộc sống của hàng trăm hộ dân xã Ninh Dân vẫn nguy hiểm bên bờ vực.

Đức Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0913.610.667